MB chọn lối đi riêng gỡ nút thắt vốn cho doanh nghiệp siêu nhỏ

Trong khi phần lớn ngân hàng vẫn đặt “sổ đỏ” làm chuẩn đánh giá tín dụng, MB tiên phong dùng dữ liệu vận hành để cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ – một giải pháp mang tính “cởi trói” trong bối cảnh dòng tiền đang là rào cản lớn nhất với hơn 90% doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nỗi lo lớn của doanh nghiệp nhỏ: Loay hoay dòng tiền

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (micro SME) chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng lại là nhóm yếu thế nhất trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 111.000 doanh nghiệp nhỏ rút lui khỏi thị trường – trong đó nguyên nhân hàng đầu là khó khăn tài chính.

Lý do không mới: doanh nghiệp nhỏ thường thiếu tài sản thế chấp, không đủ 3 năm báo cáo tài chính, quy mô doanh thu khiêm tốn, chưa có hệ thống kế toán chuyên nghiệp… Những tiêu chí vốn quen thuộc với hệ thống ngân hàng truyền thống gần như loại bỏ tự động phần lớn doanh nghiệp nhỏ ra khỏi danh sách “đủ điều kiện vay”.

Điều đáng lo ngại là những rào cản này không phản ánh đúng năng lực vận hành thực tế của phần lớn doanh nghiệp nhỏ. Họ vẫn có khả năng tạo ra giá trị, vẫn có nhu cầu vốn để xoay vòng hoạt động, nhưng lại liên tục bị xếp ngoài danh sách “ưu tiên” – và rơi vào trạng thái bị ngân hàng từ chối vốn, không chỉ một lần, mà lặp lại qua nhiều năm.

MB dùng dữ liệu thay tài sản, mở lối tiếp cận mới cho doanh nghiệp nhỏ

Trong khi nhiều ngân hàng vẫn đặt tài sản đảm bảo là “tấm vé vào cửa”, ngân hàng số BIZ MBBank – thuộc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) – triển khai một lối đi khác: Cho vay tự động dựa trên dữ liệu, không yêu cầu tài sản thế chấp, không cần gặp mặt, giải ngân nhanh chóng 24/7.

Theo Ông Vũ Hồng Phú – Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), quan điểm mới của ngân hàng là: “Dữ liệu còn giá trị hơn cả sổ đỏ. Một doanh nghiệp có dòng tiền đều, trả lương đúng hạn, nộp thuế đầy đủ – xứng đáng được cấp tín dụng.”

Giải pháp này ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích các yếu tố vận hành thực tế như: lịch sử giao dịch, hóa đơn điện tử, nghĩa vụ thuế, tình trạng chi trả lương. Dựa trên đó, hệ thống đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp và phê duyệt hạn mức phù hợp.

Ông Vũ Hồng Phú – Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) phát biểu tại ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025

Giải ngân 24/7 và hệ sinh thái tài chính số toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ

Với định hướng số hóa toàn diện, MB triển khai mô hình cho vay hoàn toàn trực tuyến thông qua nền tảng ngân hàng số BIZ MBBank. Từ khâu đăng ký đến phê duyệt và giải ngân, toàn bộ quy trình đều diễn ra không giấy tờ, không cần gặp mặt, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng và linh hoạt. Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu vận hành, hệ thống có thể phê duyệt hạn mức chỉ trong vài phút. Việc giải ngân cũng được thực hiện 24/7, bao gồm cả ngoài giờ hành chính, cuối tuần và ngày lễ, tạo điều kiện để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Tính đến hết tháng 5/2024, hơn 14.500 khoản vay tự động đã được BIZ MBBank giải ngân thành công, góp phần tiết kiệm khoảng 36.000 giờ lao động và hơn 1 triệu tờ giấy in. Con số này không chỉ phản ánh hiệu quả trong việc tinh giản thủ tục, mà còn cho thấy tiềm năng thực sự của các giải pháp tín dụng dựa trên dữ liệu.

Không dừng lại ở việc cung cấp vốn, MB còn phát triển BIZ MBBank thành một hệ sinh thái tài chính số dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ. Hệ thống này bao gồm các dịch vụ hỗ trợ quản trị như ERP, kế toán kết nối thời gian thực; thanh toán thuế, bảo hiểm, hải quan trực tuyến 24/7; và tích hợp với Trung tâm đấu thầu quốc gia để mở rộng kênh tiếp cận thị trường. Việc đồng bộ hóa giữa cấp vốn và vận hành không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện phát triển công bằng hơn trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Trong bối cảnh nền kinh tế số yêu cầu sự linh hoạt và minh bạch, cách làm của MB không chỉ là đổi mới sản phẩm, mà còn là sự thay đổi tư duy về cấp vốn: từ đánh giá “tài sản đã có” sang đánh giá “khả năng tạo giá trị trong tương lai”.

Với hướng đi này, MB đang mở ra cơ hội tiếp cận tài chính cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ – những đơn vị đã từng bị đánh giá thấp chỉ vì “nhẹ tài sản”. Giải pháp của BIZ MBBank cho thấy ngân hàng không chỉ cấp vốn, mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp từ bên trong – đúng lúc, đúng nhu cầu, đúng bản chất.

Bạn cũng có thể thích